Tin tức y tế

BỆNH BẠCH HẦU VÀ CÁCH PHÒNG

[ Cập nhật vào ngày (14-07-2023) ]
BỆNH BẠCH HẦU VÀ CÁCH PHÒNG
Đây là một bệnh nhiễm khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên, thường ảnh hưởng đến màng nhầy của mũi và cổ họng. Bạch hầu thường gây viêm họng, sốt, sưng và suy nhược, nhưng dấu hiệu nổi bật là một lớp dày, màu xám ở cổ họng, có thể làm tắc nghẽn đường

Bệnh bạch hầu là gì?

Đây là một bệnh nhiễm khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên, thường ảnh hưởng đến màng nhầy của mũi và cổ họng. Bạch hầu thường gây viêm họng, sốt, sưng và suy nhược, nhưng dấu hiệu nổi bật là một lớp dày, màu xám ở cổ họng, có thể làm tắc nghẽn đường thở, khiến bệnh nhân khó thở.

Trong giai đoạn tiến triển, bạch hầu có thể làm tổn thương tim, thận và hệ thần kinh. Ngay cả khi đang điều trị, bạch hầu có thể gây tử vong tới 3% bệnh nhân. Tỷ lệ này cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Đường lây của bệnh

Bệnh bạch hầu có thể lây lan qua 3 đường:

  • Những giọt nước bắn ra từ bệnh nhân: Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt nước nhỏ li ti bắn ra không khí. Nếu chẳng may hít phải những giọt nước có chứa vi khuẩn C. diphtheriae, người đó có thể bị nhiễm bệnh.
  • Dùng chung các vật dụng bị nhiễm khuẩn: Đôi khi sử dụng chung vật dụng của người bị bệnh có thể lây bệnh. Ví dụ, dùng chung ly với người bệnh mà không rửa sạch hoặc tiếp xúc gần với các vật dính dịch tiết có chứa vi khuẩn.
  • Đồ gia dụng bị nhiễm khuẩn: Trong một số ít trường hợp, bệnh bạch hầu lây lan qua các đồ gia dụng như khăn tắm hoặc đồ chơi.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh bằng cách chạm vào vết thương bị nhiễm trùng. Những người bị nhiễm khuẩn bạch hầu và những người chưa được điều trị có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi họ không có triệu chứng của bệnh.

Những người có nguy cơ mắc bệnh

  • Trẻ em và người lớn không tiêm ngừa vắc xin
  • Người sống trong môi trường đông đúc hoặc không vệ sinh
  • Bất cứ ai đi đến khu vực đang có dịch bùng phát.

Biến chứng của bệnh

Nếu bệnh không được điều trị sớm, có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Các vấn đề về hô hấp: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể gây ra độc tố. Chất độc này gây tổn hại cho mô ở khu vực trực tiếp bị nhiễm trùng, thường là mũi và cổ họng. Tại đó, vi khuẩn sinh sôi và tạo thành một lớp màng màu xám cứng gồm tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Màng tế bào này có thể gây trở ngại cho hô hấp.
  • Gây tổn thương tim: Các độc tố của bạch hầu có thể lan truyền vào máu và làm tổn hại các mô trong cơ thể như cơ tim, gây biến chứng viêm cơ tim. Tổn thương tim do viêm cơ tim có thể nhẹ, xuất hiện dưới dạng bất thường nhỏ trên điện tâm đồ. Trường hợp nghiêm trọng, dẫn tới suy tim sung huyết và tử vong đột ngột.
  • Tổn thương thần kinh: Chất độc của vi khuẩn gây bệnh có thể gây tổn thương thần kinh, điển hình là dây thần kinh đến cổ họng, nơi dẫn truyền thần kinh kém có thể gây khó nuốt. Các dây thần kinh cánh tay và chân cũng có thể bị viêm, dẫn đến yếu cơ. Nếu độc tố của vi khuẩn làm tổn thương dây thần kinh giúp điều khiển các cơ vận hành trong việc hít thở, thì những cơ này có thể trở nên tê liệt. Hô hấp không thực hiện được nếu không có mặt nạ dưỡng khí hoặc dụng cụ hỗ trợ thở.

Chẩn đoán bệnh

Bác sĩ có thể chẩn đoán bằng cách dựa vào những dấu hiệu điển hình như một lớp màu xám dày bao phủ cổ họng. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể lấy mẫu mô tại vị trí của vết thương và làm thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác định vi khuẩn gây ra bệnh. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bạch hầu, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị ngay lập tức chứ không chờ đến lúc có kết quả xét nghiệm.

Điều trị dự phòng

Nếu tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, bạn hãy đi khám ngay để điều trị dự phòng. Bác sĩ có thể cho bạn thuốc kháng sinh để ngăn ngừa bệnh phát triển. Bạn cũng có thể tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

  • Bệnh nhân mắc bạch hầu cần nghỉ ngơi nhiều. Không nên làm việc nặng đặc biệt khi tim bị ảnh hưởng. Có thể nằm trên giường trong vài tuần hoặc đến khi hồi phục hoàn toàn.
  • Bệnh nhân cần được cô lập nghiêm ngặt để tránh lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình. Mọi người trong nhà rửa tay cẩn thận để ngăn ngừa lây bệnh.
  • Do đau và nuốt khó khăn, bệnh nhân có thể ăn thực phẩm dạng lỏng hoặc mềm trong một thời gian.

Bài: Tổ Truyền thông

Trung tâm Y tế Châu Thành

 

Thu Uyên