Kiến thức y khoa

Thông tin hẹp bao quy đầu ở nam giới được chia sẻ từ TRUNG TÂM Y TẾ CHÂU THÀNH AN GIANG

[ Cập nhật vào ngày (22-12-2023) ]
Thông tin hẹp bao quy đầu ở nam giới được chia sẻ từ TRUNG TÂM Y TẾ CHÂU THÀNH AN GIANG
Hẹp bao quy đầu (phimosis) là tình trạng da bao quy đầu quá chặt, không thể kéo lên được khỏi đầu dương vật, ngay cả khi cương cứng. Hầu hết bé trai đều bị hẹp bao quy đầu nhưng nếu trên 10 tuổi, quy đầu và da bao quy đầu vẫn dính với nhau quá chặt, không

Hẹp bao quy đầu (phimosis) là gì?

Hẹp bao quy đầu là hiện tượng da bao quy đầu quá chặt, không thể kéo xuống để lộ ra quy đầu dương vật, ngay cả khi cương cứng.

Các triệu chứng của hẹp bao quy đầu:

  • Đau hoặc khó chịu khi đi tiểu: Bao quy đầu chặt, làm cản trở đường đi của nước tiểu, khiến nam giới cảm thấy khó chịu, đau. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể không thoát hết được nước tiểu trong bàng quang, cũng có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu, dòng nước tiểu yếu hơn bình thường.
  • Đau khi cương cứng trong quan hệ tình dục: Hẹp bao quy đầu ở thanh thiếu niên và người lớn sẽ gây đau khi cương cứng, đau khi quan hệ tình dục. Nếu cố tình quan hệ, da bao quy đầu có thể bị nứt và mất cảm giác, mang bao cao su và sử dụng chất bôi trơn giúp giao hợp thoải mái hơn.
  • Nghẹt bao quy đầu: Một tình trạng khẩn cấp khi mà bao quy đầu không thể trở lại vị trí ban đầu nếu nam giới cố lột bao quy đầu.
  • Viêm nhiễm: Hẹp bao quy đầu gây khó khăn cho quá trình làm sạch cho vùng da quy đầu, nam giới dễ bị viêm bao quy đầu và viêm quy đầu, nhiễm trùng đường tiểu… với các triệu chứng như quy đầu sưng đỏ, đau và chảy máu khi đi tiểu, mùi hôi khó chịu, tích tụ dịch đặc tạo thành vòng tròn màu trắng khi mở bao quy đầu.

Các dạng hẹp bao quy đầu:

Hẹp bao quy đầu sinh lý (Hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh): Là tình trạng tự nhiên hết sức bình thường, trong đó, trẻ em nam sinh ra với bao quy đầu hẹp, nhằm bảo vệ quy đầu khỏi các tác nhân đến từ bên ngoài. Hẹp bao quy đầu sinh lý phổ biến ở trẻ nhỏ, sẽ tự khỏi khi trẻ lớn và trưởng thành.

Trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý chỉ liên quan đến việc không rút lại được bao quy đầu, có thể xuất hiện bong bóng trong nước tiểu. Nhưng không bị đau, khó tiểu và nhiễm trùng tiết niệu… thậm chí nếu có nhiễm trùng đường tiết niệu thì cũng không phải do hẹp bao quy đầu gây ra. Dưới lực kéo nhẹ nhàng, vùng quy đầu nhô ra vẫn hồng hào và khỏe mạnh.

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Xảy ra khi hẹp bao quy đầu sinh lý bị nhiễm trùng, viêm hoặc có sẹo xơ, thường gặp ở những thanh niên đã lớn nhưng không cắt bao quy đầu. Tỉ lệ hẹp bao quy đầu bệnh lý chỉ là 0,4 trên 1000 bé trai mỗi năm.

Trong hẹp bao quy đầu bệnh lý, nam giới thường cảm thấy đau đớn, kích ứng da, nhiễm trùng, chảy máu, khó tiểu tiện, tiểu yếu, nhiễm trùng đường tiểu, đau khi cương cứng, thỉnh thoảng đái dầm hoặc bí tiểu…

Mức độ hẹp bao quy đầu:

Mức độ hẹp bao quy đầu ở trẻ em và người lớn khác nhau. Kiriros và các cộng sự đã phân loại mức độ nghiêm trọng của hẹp bao quy đầu như sau:

  • Mức 1: Bao quy đầu có thể tụt vào hoàn toàn nhưng phần đầu bị chặt.
  • Mức 2: Bao quy đầu có thể tụt vào, chỉ để lộ ra một phần quy đầu.
  • Mức 3: Bao quy đầu có thể tụt vào một phần, chỉ đủ nhìn thấy lỗ niệu đạo.
  • Mức 4: Bao quy đầu quá hẹp, nếu cố lột thì cũng không để lộ ra lỗ niệu đạo.
  • Mức 5: Bao quy đầu bịt kín hoàn toàn dương vật, không thể tụt vào.

Nguyên nhân hẹp bao quy đầu và yếu tố làm gia tăng hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu là bình thường ở trẻ mới sinh. Hầu hết trẻ dưới 2 tuổi vẫn bị hẹp bao quy đầu, da bọc bao quy đầu dính với quy đầu và không thể kéo lên được. Bao quy đầu sẽ tách ra tự nhiên khỏi quy đầu khi trẻ từ 2-6 tuổi. Theo thống kê, 50% bé trai khi đến 1 tuổi và gần 90% bé trai khi đến 3 tuổi sẽ tự thoát khỏi hẹp bao quy đầu. Chỉ có 1% đến 5% nam giới từ 16-18 tuổi vẫn còn hẹp bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu khi xuất hiện thêm các yếu tố sau rất khó có thể tự khỏi:

  • Bao quy đầu bị chấn thương hoặc nhiễm trùng gây sẹo bao quy đầu.
  • Đường tiết niệu bị nhiễm trùng nhiều lần.
  • Nam giới mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Các bệnh ngoài da như bệnh chàm, bệnh vẩy nến, linchen phẳng, linchen xơ hóa…
  • Người cao tuổi có nguy cơ hẹp bao quy đầu do da bao quy đầu mất độ đàn hồi và cương cứng không thường xuyên.
  • Hẹp bao quy đầu cũng xuất hiện ở bệnh nhân tiểu đường không được điều trị do sự hiện diện của của glucose trong nước tiểu cao, thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng da bọc quy đầu. Theo đó, nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bạn dễ bị viêm balan, nhiễm trùng đầu dương vật…

Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không?

Hẹp bao quy đầu thường không phải là vấn đề, cũng không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Trừ khi, các triệu chứng hẹp bao quy đầu gây khó chịu cho trẻ, bao gồm mẩn đỏ, đau nhức hoặc sưng tấy… Một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bao gồm:

Viêm nhiễm nam khoa

Nếu trẻ bị đau và sưng tấy kéo dài, trẻ có thể bị viêm đầu dương vật và viêm bao quy đầu. Bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị thích hợp.

Hầu hết các trường hợp viêm có thể được điều trị đơn giản bằng cách vệ sinh thật tốt, đặc biệt sau mỗi lần đi tiểu, sử dụng kem hoặc thuốc mỡ và hạn chế các kích thích đến dương vật.

Nghẹt bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu là nguyên nhân hàng đầu gây ra nghẹt bao quy đầu (paraphimosis). Nghẹt bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu bị mắc nghẹt ở rãnh quy đầu, không thể kéo lên và kéo xuống, làm cản trở lưu thông máu, khiến quy đầu sưng tấy hoặc thậm chí hoại tử.

Nghẹt bao quy đầu cần được điều trị khẩn cấp, quy trình chẩn đoán rất đơn giản. Bác sĩ chỉ cần quan sát bộ phận sinh dục và thăm hỏi tiền sử sức khỏe mà không cần tiến hành các xét nghiệm bổ sung.

  • Đầu tiên, bác sĩ sẽ giúp bạn giảm đau bằng cách thoa kem gây mê cục bộ lên dương vật hoặc cho uống thuốc.
  • Chườm đá để giảm tình trạng sưng tấy ở vùng quy đầu trước khi tiến hành điều trị thủ công.
  • Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành một khe phẫu thuật nhỏ ở mặt sau của vùng da quy đầu, giải thoát cho quy đầu khỏi tình trạng tắc nghẽn mặt máu.
  • Sau đó, có thể cắt bao quy đầu, phòng ngừa nghẹt bao quy đầu tái phát.

Ung thư dương vật

  • Nghẹt bao quy đầu làm gia tăng nguy cơ ung thư dương vật. Nếu không điều trị, nó sẽ làm sưng tấy quy đầu, hoại tử, thậm chí là phải cắt bỏ dương vật.
  • Ung thư dương vật thậm chí còn có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không sớm phát hiện và điều trị ngay.

Chẩn đoán hẹp bao quy đầu

Chẩn đoán hẹp bao quy đầu chủ yếu dựa vào thăm khám thực thể, bao gồm quan sát bộ phận sinh dục và bao quy đầu mà không cần xét nghiệm hoặc xem xét hình ảnh. Xác định nguyên nhân của hẹp bao quy đầu và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp bao quy đầu.

Trong trường hợp nghi ngờ hẹp bao quy đầu bệnh lý: Ngoài việc nghe bạn mô tả các các triệu chứng hẹp bao quy đầu, bác sĩ sẽ thăm hỏi tiền sử sức khỏe, các bệnh nam khoa từng gặp trước đó, các vấn đề phát sinh trong quan hệ tình dục và bệnh nhân có thể được kiểm tra thể chất.

Yêu cầu xét nghiệm: Nước tiểu và lấy dịch niệu đạo để kiểm tra vi khuẩn, người lớn bị hẹp bao quy đầu có thể tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra lượng đường trong máu, tầm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 (hẹp bao quy đầu là một yếu tố nguy cơ với bệnh tiểu đường tuýp 2).

Điều trị hẹp bao quy đầu

Có hai biện pháp điều trị hẹp bao quy đầu, phẫu thuật và phi phẫu thuật (bao gồm dùng thuốc và tự lột bao quy đầu). Điều trị hẹp bao quy đầu phụ thuộc vào độ tuổi của nam giới, mức độ nghiêm trọng của hẹp bao quy đầu và triệu chứng cụ thể.

Nguyên tắc điều trị hẹp bao quy đầu

Nếu như hẹp bao quy đầu không gây ra vấn đề nghiêm trọng thì các biện pháp phi phẫu thuật có thể hiệu quả. Bác sẽ sẽ kê đơn thuốc mỡ (steroid) lên đầu dương vật một vài lần trong ngày và kéo dài từ 4-6 tuần, giúp da bao quy đầu dãn ra. Hiệu quả điều trị của thuốc mỡ thường đạt trên 70%. Khi bao quy đầu tụt xuống hoàn toàn thì có thể ngưng dùng thuốc mỡ.

Điều trị cắt bao quy đầu chỉ được coi là lựa chọn cuối cùng. Nếu như thuốc mỡ không có hiệu quả thì cắt bao quy đầu rất cần thiết. Bác sĩ sẽ cắt một phần hoặc toàn bộ bao quy đầu.

Phòng ngừa hẹp bao quy đầu

Cha mẹ của trẻ cần được giáo dục về sự bình thường của hẹp bao quy đầu bẩm sinh của trẻ và thời gian hẹp bao quy đầu sinh lý tự khỏi. Cần phải nhấn mạnh việc lột bao quy đầu để vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Cha mẹ không nên cố gắng lột bao quy đầu nếu bao quy đầu chưa sẵn sàng.

Hầu hết các vấn đề về quy đầu đều có thể ngăn chặn dễ dàng. Phần quy đầu và bao quy đầu cần phải lau rửa thường xuyên bằng nước sạch, sử dụng khăn bông để lau khô lại.

Khi lộn bao quy đầu ra để đi tiểu hoặc vệ sinh, cần hết sức nhẹ nhàng và đừng quên đặt nó trở lại vị trí cũ khi bạn xong việc.

Nếu bạn gặp vấn đề với bao quy đầu nhiều lần, thì nên đi cắt bao quy đầu để ngăn chặn hẹp bao quy đầu tái phát.

TRUNG TÂM Y TẾ CHÂU THÀNH AN GIANG

Thu Uyên